Charles Bally đầu tiên học ngữ văn học Hi Lạp và luận văn tốt nghiệp của ông viết về tính trữ tình trong bi kịch cổ đại (Berlin, 1889). Năm 30 tuổi, làm giảng viên tại trường trung học Canvanh (Geneva), lần đầu tiên ông gặp F. de Saussure lúc đó đang dạy ở trường đại học Geneva. Ông học tiếng Sanskrit, tham gia các giờ thảo luận về tiếng Pháp hiện đại. Những kiến thức có sẵn về tiếng Đức và tiếng Pháp giúp ông thực hiện những ý định mới, làm cho cơ sở cho những công trình lớn sau này. Gắn với những nguyên tắc lớn của Saussure trong ngôn ngữ học, ngay từ 1900, ông đã viết bài trong "kỉ yếu của Hội ngôn ngữ học", phê phán những chỗ cực đoan của ngôn ngữ so sánh-lịch sử và nêu lên hai bình diện bổ sung lẫn nhau: đồng đại và lịch đại. Chính ông cùng A.Schehaye đã tập hợp các bải giảng của Saussure để soạn thành Giáo trình ngôn ngữ học đại cương, xuất bản năm 1916.
Tuy nhiên, Bally hướng chủ yếu các công trình nghiên cứu vào một lĩnh vực độc đáo mà ông không ngừng suốt đời đi sâu thêm. Những xuất bản phẩm đầu tay của ông đã có tiếng vang:
– Khái luận về phong cách học (Précis de stylistique);
– Bàn về phong cách học Pháp (Traité de stylistique françise), hai tập (1908–1909);
– Ngôn ngữ và đời sống (Le langage et la vie) (1913).
Năm 1932, Bally tổng hợp các công trình nghiên cứu thành một tác phẩm quan trọng: Ngôn ngữ học đại cương và ngôn ngữ học Pháp (Linguistique générale et linguistique françise).
Nắm vững mối quan hệ tất yếu giữa tư duy và ngôn ngữ, Bally có tham vọng xây dựng một khoa học mới tên cơ sở các lí thuyết xã hội học và tâm lí học của thời đại (của Durkhein và của Bergson) mà ông gọi là phong cách học, với nội dung khác hẳn trước đây.
Khác với Saussure vốn đi vào ngôn ngữ học ngôn ngữ, Bally quan tâm đến ngôn ngữ học lời nói, đi sâu vào tâm lí cá nhân, coi lời nói là phương tiện để biểu đạt cảm tính và đời sống tình cảm của con người. Phong cách học được xem là khoa học diễn cảm, quan tâm nghiên cứu các sự kiện lời nói trong tổng thể, và phương pháp nghiên cứu chúng tuỳ thuộc voà bình diện quan tâm của nhà ngôn ngữ học. Các dữ kiện thực nghiệm để khảo sát phong cách học nằm trong diện lời nói tự phát, với sự xem xét hoàn cảnh nói, và những phản ứng tâm lí của người nói và người nghe. Trong thí nghiệm này, phải loại ra ngoài hình thức văn học của ngôn ngữ viết, cũng như các đặc tính của mọi ngôn ngữ riêng biệt, như tiếng lóng, ngôn ngữ nghề nghiệp, ngôn ngữ khoa học được sử dụng trong các nhóm xã hội nhỏ.
Bally mượn của một số nhà khoa học đương thời một số khái niệm: khái niệm "khuynh hướng" của M.Grammont, khái niệm "tiến hoá ngôn ngữ" của O.Jesperson và A.Meillet. Một số nhà cấu trúc luận phê phán ông đã đưa vào ngôn ngữ học khái niệm "tính biểu cảm", mà một khoa học ngôn ngữ chính xác và chặt chữ không thể định nghĩa được. Có người xem Bally là người đi đầu trong ngữ pháp tạo sinh, vì ông đã đưa vào ngôn ngữ học nguyên tắc cơ bản của sự chuyển hoá trong các ngôn ngữ khi nghiên cứu mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy. Sự chuyển hoá ngữ pháp cho phép chuyển từ phạm trù ngữ pháp này sang phạm trù ngữ pháp khác, hoặc cải biến một mệnh đề thành một cấu trúc danh ngữ khi cần tính biểu cảm.
Ngoài ra, lí thuyết phát ngôn của ông phân biệt các nhóm xã hội-văn hoá bằng các đặc tính ngôn ngữ học chủ yếu, và nhấn mạnh tầm quan trọng của hoàn cảnh (môi trường) trong mối liên hệ có tính chất ngôn ngữ học giữa những người giao tiếp. Phải chăng đó là một hình thức – tuy còn mang tính chất trực giác – của những cố gắng hiện nay của xã hội-ngôn ngữ học, khi môn học này đặt ra và xây dựng một loại hình học của diễn từ.
Theo Đái Xuân Ninh (1984). Charles Bally. In trong Ngôn ngữ học: Khuynh hướng • Lĩnh vực • Khái niệm (tập 1). Nxb KHXH, H., 1984, trang 155–158.