Nửa đầu thế kỉ XIX trở về trước, những quan sát, nghiên cứu về tiếng Việt còn rất sơ sài. Điều này có nguyên nhân khách quan của nó.
Trước hết, vì chức năng xã hội của tiếng Việt thời cổ trung đại còn hạn chế nên nhu cầu phải nghiên cứu nó không cao.
Thứ hai, muốn nghiên cứu tiếng Việt phải có phương tiện là chữ viết phát triển nhưng trong khi đó, cả chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ thời kì này đều có những hạn chế nhất định. Ở Việt Nam, không mấy người có đủ trình độ tiếng Hán để có thể dùng chữ Hán để ghi lại những quan sát của mình về tiếng Việt. Những người có thể lưu bút cho đời như Lê Quý Đôn, Ngô Thì Nhậm thì thật là hiếm. Chính người Trung Quốc đã dùng chữ Hán để phiên âm tiếng Việt và làm ra cuốn từ điển đối chiếu đầu tiên là An Nam dịch ngữ(1). Còn về chữ Nôm thì, ông cha ta chỉ có thể gửi gắm những quan sát, suy nghĩ của mình về tiếng Việt qua sự cấu tạo của chữ Nôm, chứ bản thân chữ Nôm chưa thể trở thành phương tiện để miêu tả các phương diện của tiếng Việt, mặc dù nó đã góp phần hình thành nên một loạt từ điển đối chiếu Hán–Việt các loại (chi tiết xem chương II của cuốn sách này). Chữ quốc ngữ tuy ra đời từ thế kỉ XVII, nhưng chỉ bó hẹp trong phạm vi đạo Thiên Chúa mà triều đình phong kiến Việt Nam, cả ở Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, lại thi hành chính sách cấm đạo nên chữ quốc ngữ không thể phát triển, truyền bá rộng rãi.
Thứ ba, Việt Nam và Trung Quốc là những nước đồng văn mà truyền thống ngôn ngữ học Trung Hoa chỉ xoay quanh âm vận học, huấn hỗ học, tự thư học cho nên cái phông lí thuyết để miêu tả tiếng Việt thời kì này cũng chỉ xoay quanh âm, chữ và nghĩa mà thôi. Lê Quý Đôn (một nhà bác học của Việt Nam thế kỉ XVIII) đã đóng góp cho lịch sử văn hoá nước nhà trên nhiều mặt như triết học, lịch sử, văn học,… Những suy nghĩ, quan sát của ông về ngôn ngữ cũng rất phong phú, giá trị, nhưng dẫu sao vẫn chưa vượt qua được cái phông chung của thời đại.
Tuy nhiên, trong thời cổ trung đại đã có những công trình về ngữ pháp và tiếng Việt mang tinh thần khoa học của phương Tây. Đó là Báo cáo vắn tắt về tiếng An Nam hay Đông Kinh và Từ điển Việt–Bồ–La của Alexandre de Rhodes, Từ điển Việt–La của Pigneaux de Béhaine, Nam Việt Dương Hiệp tự vị của Taberd. Nhưng vì những tác phẩm này không được in ở Việt Nam nên tác động của chúng đối với người Việt rất hạn chế. Mặc dù sự tác động của nhân tố bên ngoài là cần thiết và quan trọng nhưng Việt ngữ học chỉ có thể phát triển mạnh mẽ và vững chắc nhờ vào nội lực của mình. Đó là điều mà chúng ta có thể chứng kiến ở giai đoạn cận hiện đại.
Giai đoạn cận hiện đại có thể chia thành hai thời kì nhỏ: giai đoạn cận đại (thời Pháp thuộc) và giai đoạn hiện đại (từ năm 1945 đến nay).
Đặc điểm chung của giai đoạn cận đại là:
- Việt ngữ học được nghiên cứu theo tinh thần của ngôn ngữ học phương Tây và ngôn ngữ học hiện đại của thế giới
- Tiếng Việt vươn lên làm phương tiện diễn đạt những thành tựu Việt ngữ học, nó dần trở thành phương tiện chính, với số lượng tài liệu được viết bằng tiếng Việt nhiều hơn hẳn những tài liệu được viết bằng các ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Nga,…
- Số người Việt tham gia nghiên cứu tiếng Việt càng ngày càng đông, họ trở thành bộ phận chủ yếu, nhiều người lấy nghiên cứu tiếng Việt làm nghề chính của mình.
Giai đoạn cận đại là giai đoạn vận dụng quan điểm học thuật châu Âu vào nghiên cứu tiếng Việt. Cho đến cuối thế kỉ XIX, ở châu Âu, phái Tân ngữ pháp giữ vai trò thống trị, ngữ pháp Latin từ thời Đô-na-tut vẫn còn ảnh hưởng lớn. Những người châu Âu tới Việt Nam đã đem quan điểm học thuật vốn có vào miêu tả tiếng Việt. Những người Việt Nam tiếp thu truyền thống ngôn ngữ học châu Âu cũng làm việc theo tinh thần đó. Phải công nhận rằng, ở giai đoạn này, số học giả người nước ngoài nhiều hơn số học giả người Việt Nam. Chúng ta có thể liệt kê một số học giả nước ngoài như:
- Theurel. Tự vị An Nam–Latin. In ở Ninh Phú, Kẻ Sở, Ninh Bình, năm 1887.
- Ravier. Tự vị La–Việt. In ở Ninh Phú, 1880.
- Legrand de la Liraye. Tự vị Việt–Pháp. 1874.
- Génibrel Aubaret. Grammarie de la langue annamite. (Paris, 1864).
- Edouard Diguet (1897). Élements de grammarie annamite. Hà Nội, 1924.
- M. Grammont (viết chung với Lê Quang Trinh). Études sur la langue annimite. Mémoires de la société de linguistique de Paris, tập mười bảy, 1911–1912.
- A. Chéon. Cours de langue annamite. 1904.
- A. Bouchet. Cours élémantaire d’annamite. 1908.
- V. Barbier. Grammarie annamite. Année Préparatoire : Grammaire et Exercises, 1932.
- J.R. Logan. Ethnology of the Indo-Pacific islands. 1882.
- A.H. Keane. On the relations of the Indo-Oceanic races and languages. 1880.
- W. Schmidt. Les langues Mon-Khmer – Trait d’union entre les peuples de l’Asie (Các ngôn ngữ Mon-Khmer – Dấu gạch nối giữa các dân tộc Trung Á và Nam Á).
- H. Maspéro. Étude sur la phonétique historique de la langue annamite. Les initiales (Nghiên cứu ngữ âm lịch sử tiếng An Nam. Các âm đầu). 1912.
- C.O. Blagden. The classification of the Annamese Language. “JRAS of Great Britain and Ireland”. 1913.
- G. Coedès. Le langue de l’Indochine. “Conférences de l’Institut de linguistique de L’université de Paris VIII”, Années, 1910–1948, Paris, 1919.
- E. Souvignet. Les origines de la langue annamite. 1920
- v.v…
Tuy nhiên, ở giai đoạn này, trên diễn đàn Việt ngữ học đã xuất hiện một số học giả người Việt có tên tuổi. Đó là các ông Trương Vĩnh Kí, Trương Vĩnh Tống, Lê Quang Trinh, Huình Tịnh Của, Nguyễn Hiệt Chi, Lê Thước, Lê Ngọc Vượng, Trần Trọng Kim, Bùi Kỉ và Phạm Duy Khiêm,… Các ông Trương Vĩnh Kí, Trương Vĩnh Tống, Lê Quang Trinh viết bằng tiếng Pháp, Trương Vĩnh Tống viết cuốn Grammaire de la langue Annamite năm 1876, Lê Quang Trinh cùng với Grammont viết cuốn Études sur la langue Annimite năm 1911. Trương Vĩnh Kí là người Việt đầu tiên nghiên cứu tiếng Việt trong giai đoạn này, đồng thời cũng là người có nhiều công trình nhất:
- 1867. Abrégé de grammaire Annamite (Ngữ pháp tiếng Việt giản yếu). Saigon, Impr. Impériable.
- 1868. Cours pratique de langue Annamite (Giáo trình thực hành tiếng Việt). Saigon Impr. Imprériable.
- 1883. Grammaire de la langue Annamite (Ngữ pháp tiếng Việt). Saigon, C. Guill et Martion.
- 1887. Vocabulaire Annmite–Français ; mots usuels, noms techniques, scientifiques et termes administratifs (Từ vựng Việt–Pháp; từ thông dụng, từ khoa học kĩ thuật và thuật ngữ hành chính). Saigon, Rey et Curiol.
- 1888. Ecriture en Annam (Chữ viết ở Việt Nam). Bulletin de la Socitété des Études Indochinoises de Saigon
- 1894. Cours d’annamite parlé (vulgaire) (Giáo trình tiếng Việt khẩu ngữ (thông tục)). Saigon.
- 1884. Petit dictionaire Français–Annamite (Tiểu từ điển Pháp–Việt). Saigon, Impr. de la Mission.
Đồng thời, do kết quả của cuộc vận động truyền bá chữ quốc ngữ cuối thế kỉ XIX–đầu thế kỉ XX, tiếng Việt đã vươn lên thành phương tiện diễn đạt khoa học: các cuốn từ điển giải thích tiếng Việt và các sách ngữ pháp tiếng Việt được biên soạn bằng chữ quốc ngữ đã ra đời. Đó là:
- 1895. Đại Nam quấc âm tự vị của Huình Tịnh Paulus Của. Saigon, Imprmerie Rey, Curiol.
- 1912. Đồng âm tự vị của Nguyễn Văn Mai. Sài Gòn.
- 1925. Quốc âm tân chế của Lê Mai. Sài Gòn.
- 1931. Việt Nam tự điển của Khai trí Tiến Đức.
- 1935. Sách mẹo tiếng Nam của Nguyễn Hiệt Chi & Lê Thước. Hà Nội.
- 1940. Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim; Bùi Kỉ & Phạm Duy Khiêm. Hà Nội.
- 1941. Tầm nguyên từ điển của Lê Văn Hoè. Hà Nội.
- 1942–1943. Khảo cứu về tiếng Việt Nam của Trà Ngân & Lê Ngọc Vượng. Hà Nội.
- 1943. Lược khảo Việt ngữ của Lê Văn Nựu. Hà Nội.
Vào thời thuộc Pháp đã xuất hiện một số học giả người Việt xuất sắc như Trương Vĩnh Kí, Huình Tịnh Paulus Của, Trần Trọng Kim,…
Trương Vĩnh Kí sinh ngày 6/12/1836 tại thôn Cái Mơn, xã Vĩnh Thành, huyện Tân Minh, tỉnh Vĩnh Long. Từ nhỏ, ông đã học chữ nho, chữ quốc ngữ, sau đó được một linh mục đưa đến Cái Nhum trên đất Campuchia học chữ Latin. Từ năm 1851 đến năm 1858, ông học ở trường đạo Pinang thuộc Ấn Độ Dương, rồi qua Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức và Ý. Trương Vĩnh Kí là người thông minh, uyên bác, có thể đọc và nói giỏi 15 thứ tiếng phương Tây và 12 thứ tiếng phương Đông. Ông là hội viên của các hội khoa học: Hội Nhân chủng học và khoa học miền Tây nước Pháp, Hội chuyên nói các tiếng phương Đông, Hội chuyên khảo văn hoá Á châu, Hội địa lí học Paris,… Đương thời, Trương Vĩnh Kí được báo chí và giới học giả nước ngoài liệt vào hàng thứ 17 trong danh sách “Toàn cầu thập bát văn hào”. Ông mất ngày 01/9/1898, thọ 62 tuổi. Ông để lại khoảng 118 bộ sách đã xuất bản và rất nhiều công trình còn đang dở dang(2).
Huình Tịnh Của (1834–1908), người gốc Bà Rịa, ông học trường đạo ở Pinang rồi làm công chức trong chính quyền thuộc địa của Pháp. Ông đã có nhiều đóng góp cho nền văn học chữ quốc ngữ ở thời kì đầu. Tác phẩm của ông thuộc nhiều loại. Sách học: Phép toán (Số học) (1867); Phép đo (Hình học) (1867); Gia lễ (1886); Sách Bác học sơ giải (1887); Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (1897); Thư mẹ dạy con (1913). Sách giải trí: Chuyện giải buồn (in lần đầu năm 1886 và lần thứ năm năm 1904); Câu hát góp (1904); Văn Doan diễn ca (1906). Sách “Bổn cũ soạn lại” hay phỏng dịch của văn học Trung Hoa: Quan âm diễn ca (in lần thứ năm năm 1930); Tống Tử Văn (1904); Bạch Viên Tôn Các (1906); Chiêu Quân cống Hồ (1906); Tống Tử Vưu truyện (1907);…(3)
Biên soạn Đại Nam quấc âm tự vị, Huình Tịnh Paulus Của rất có ý thức thống nhất ngôn ngữ dân tộc với ý nghĩ “hễ có tiếng nói ắt phải có tự vị làm chuẩn thẳng”. Ông đã ngày đêm khó nhọc, viết đi chép lại, hơn bốn năm trời mới hoàn thành. Nhờ ông mà chúng ta có được một bộ từ điển giải thích tiếng Việt khá đồ sộ: 1210 trang khổ lớn.
Trần Trọng Kim (1882–1953) nổi tiếng với các cuốn sách nghiên cứu về Nho giáo (1930) và Việt Nam sử lược (viết xong năm 1919, in vào những năm 1926–1929).
Cuốn Việt Nam văn phạm (1940) ông viết cùng với Bùi Kỉ và Phạm Duy Khiêm. Đây là một cuốn sách đã được sử dụng rộng rãi như một cuốn sách giáo khoa trong các trường học ở Việt Nam lúc đó và đã có một số ảnh hưởng nhất định đến các công trình nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt sau đó. Những công trình như: Phân tích từ loại và phân tích mệnh đề của Phạm Tất Đắc (Sài Gòn, 1950), Văn phạm Việt Nam của Thanh Ba Bùi Đức Tịnh (Sài Gòn, 1952), Văn phạm mới của Nguyễn Trúc Thanh (Sài Gòn, 1956) mặc dù xuất hiện sau năm 1943, nhưng về cơ bản vẫn theo đường hướng Việt Nam văn phạm của Trần Trọng Kim.
Nhìn chung, những công trình nghiên cứu về tiếng Việt thời thuộc Pháp được viết trên cơ sở lí luận của truyền thống ngôn ngữ học châu Âu, vì thế không tránh khỏi có hiện tượng nhìn tiếng Việt qua lăng kính của các tiếng châu Âu, cụ thể là tiếng Pháp mà sau này có học giả phê phán là có tính mô phỏng, hoặc có người nặng lời gọi là “dĩ Âu vi trung”.
Tuy nhiên, càng về sau, người ta càng nhận ra sự không thích hợp nếu cứ bê nguyên xi khuôn hình ngữ pháp châu Âu vào tiếng Việt. Nguyễn Giang trong cuốn Cách đặt câu (Hà Nội, 1950) đã viết mỉa mai: “Người viết sách muốn viết một cuốn xứng đáng được gọi là văn phạm của văn phạm Tây phương vào tiếng mình. Người học sách, nếu chưa biết chút văn phạm Tây phương nào, thì thấy cuốn sách cầu kì và có nhiều tính cách Tây phương khó hiểu; nếu đã biết đôi chút rồi thì chỉ muốn soát lại chỗ đôi chút ấy để tự túc, tự đại, chứ không tin rằng có thể nhờ cuốn sách ấy mà tăng tiến được về các điều đã biết. Người không đọc sách thì cười ầm lên khi nghe thấy có người nhắc lại cho biết rằng cuốn sách này dạy chúng ta: ‘Trong một câu hỏi, khi có tiếng có ở trên thì phải có tiếng không ở dưới’”.
Các nhà Việt ngữ học dần dần cố gắng xuất phát từ tinh thần của bản ngữ để khắc phục nhược điểm đó. Ngay Trần Trọng Kim, tuy là người chịu ảnh hưởng của truyền thống ngôn ngữ học châu Âu nhưng trong cuốn sách của mình cũng có những cách giải thích các sự kiện tiếng Việt. Điều này chứng tỏ tác giả đã thoát khỏi những định kiến mà nhiều người mắc phải. Cao Xuân Hạo đã nêu ra hai trường hợp. Trường hợp thứ nhất là cách diễn đạt về ý nghĩa thời và thể:
“Cách diễn đạt các thì (expression de temps): Để nói rõ lúc diễn ra sự việc so với lúc nói, người ta thêm một phó từ chỉ thời gian làm trạng ngữ:
– Bây giờ tôi viết.
– Hôm qua nó gặp ông ấy.
– Mai tôi viết thư cho anh.Cách diễn đạt của một số thể của động từ (certains aspects du verbe). Khi muốn nói rằng một sự việc đang tiếp diễn (dù là trong hiện tại, quá khứ hay tương lai), người ta dùng phó từ đang hay đương đặt trước vị từ:
– Nó đang đi.
– Anh đang làm.Khi muốn diễn đạt một sự việc đã hoàn thành, người ta dùng đã trước động từ: tôi đã biết hoặc rồi, xong sau vị từ:
– Nó ăn rồi.
– Tôi nói xong.”
Trường hợp thứ hai là cách giải thích về hai chữ được và bị của Trần Trọng Kim, Bùi Kỉ và Phạm Duy Khiêm:
“Động từ được đặt trước một động từ khác diễn đạt các ý nghĩa nói rằng đó là một mối lợi mà chủ thể được nhận (un avantage reçu) hay một kết quả may mắn mà chủ thể thu được (un heureux résultat obtenu):
– Người ấy được khen.
– Tôi được đi xem hát.Ba động từ bị, mắc, phải đặt trước một vị từ khác diễn đạt cái ý nói rằng đó là một sự bất lợi mà chủ thể phải chịu (un désavantage subi):
– Người kia bị đánh.
– Nó phải phạt.
– Anh ấy mắc lừa.Ở đây, các từ được, bị, mắc, phải được coi là động từ (verbe) bình thường (chứ không phải trợ từ – auxiliaires) và ba tác giả tuyệt nhiên không nhắc đến thái bị động (voix passive)”(4).
___________
(1) An Nam dịch ngữ, Vương Lộc giới thiệu và chú giải, Nxb Đà Nẵng & Trung tâm Từ điển học, Hà Nội–Đà Nẵng, 1996.
(2) Dẫn theo Võ An Thái, báo An ninh thế giới, số 130, ngày 17/6/1999.
(3) Dẫn theo Bùi Đức Tịnh trong lời giới thiệu cuốn Đại Nam quấc âm tự vị, Nxb Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 1998.
(4) Cao Xuân Hạo. Nhân đọc lại một cuốn sách cũ. Tạp chí Ngôn ngữ và Đời sống, số 5 (2001).